Cảnh đẹp thế giới

Là 1 hướng dẫn viên, chúng ta phải tận tâm với nghề.

Cảnh đẹp thế giới

Hướng dẫn viên du lịch cần có những tác phong, chuẩn mực nhất định, đó là cả 1 quá trình luyện rèn

Cảnh đẹp thế giới

Khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp tốt là những tố chất không thể thiếu của 1 hướng dẫn viên.

Cảnh đẹp thế giới

Sự chính chắn và tính kế hoạch là nhân tố quyết định thành công của người hướng dẫn du lịch.

Cảnh đẹp thế giới

Nghề hướng dẫn viên có những đặc điểm lao động tiêu biểu, đòi hỏi phải được hình thành và hoàn thiện trong suốt thời gian hoạt động của hướng dẫn viên và không áp đặt theo 1 khuôn khổ nhất định.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

5 phong cách không thể bỏ qua của một hướng dẫn viên du lịch

Ngoài những kiến thức cơ bản, hướng dẫn viên cần phải có những phong cách và đức tính nhất định, những phẩm chất này vừa mang tính nghề nghiệp vừa thể hiện phẩm chất cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của hướng dẫn viên.

1. Tháo vát

Hướng dẫn viên là người đại diện tổ chức kinh doanh du lịch để thực hiện hợp đồng với khách và hướng dẫn viên phải đảm nhiệm rất nhiều khâu trong suốt chuyến du lịch. Hướng dẫn viên phải là người tháo vát, nhanh nhẹn, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình tác nghiệp, phải nhanh nhẹn trong việc đón khách, tiễn khách, kiểm tra và hướng dẫn du khách thực hiện các dịch vụ, như vậy mới có thể đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian chờ đợi của du khách, giảm sự phiền muộn và tạo cho du khách có cảm giác luôn hứng khởi khi tiếp xúc với hướng dẫn viên.

Nếu hướng dẫn viên tỏ ra chậm chạp, lề mề thì sẽ rất lúng túng khi thực hiện các nhu cầu của khác, thậm chí gây ảnh hưởng đến thao tác xử lý vấn đề rủi ro phát sinh. Nói tới tác phong nhanh nhẹn là nói tới các yêu cầu về thao tác, ứng xử, di chuyển của hướng dẫn viên như một đòi hỏi nghề nghiệp mà không cần phải vội vàng, hấp tấp trước mặt du khách.

2. Linh hoạt, sáng tạo

Sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc cũng không kém phần quan trọng trong phong cách của hướng dẫn viên vì hướng dẫn viên tiếp xúc trực tiếp với du khách mà họ là những người đa dạng về tính cách, thái độ, lứa tuổi, sức khỏe, khả năng tài chính,…nên những vấn đề tiêu cực nảy sinh là chuyện không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, đối với các tour du lịch dài ngày với đoàn khách đông hoặc các tour du lịch mạo hiểm với điều kiện thời tiết bất thường thì hướng dẫn viên phả dự trù được những tình huống xấu xảy ra để có hướng giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời, phải xử lý các tình huống 1 cách linh hoạt, sáng tạo mà không vi phạm pháp luật, hợp đồng, không làm ảnh hưởng đến chuyến du lịch của khách. Từ đó, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách để họ có thể thoải mái hoàn tất chuyến du lịch, tránh tổn thất ở mức tối thiểu cho cả đôi bên.

Một hướng dẫn viên giỏi chuyên môn, có kiến thức về chính trị, ngoại ngữ,..mà thiếu linh hoạt, sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể thì sẽ hạn chế đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy, ở 1 khía cạnh nào đó, tính linh hoạt cũng được xem là 1 loại kiến thức mà mỗi hướng dẫn viên nên học hỏi và rèn luyện thành thạo để đạt hiệu quả kinh doanh du lịch tối ưu.
Phong cách linh hoạt, sáng tạo có mối liên hệ chặt chẽ với các tác phong khác, chúng tác động và ảnh hưởng nhau dẫn đến hiệu quả du lịch cũng khác nhau, mức độ của các phong cách này không thể được định lượng cụ thể 1 cách máy móc nên hướng dẫn viên phải tự nâng cao ý thức học tập và rèn luyện những phẩm chất này.


3. Cởi mở, lịch thiệp

Bên cạnh đó, thái độ cởi mở, lịch thiệp trong giao tiếp là điều vô cùng quan trọng, tuyệt đối không tỏ thái độ lo lắng, cáu gát, hờ hững trước mặt du khách vì những thái độ bất cẩn này sẽ vô tình làm mất lòng tin, sự quý trọng của du khách đối với hướng dẫn viên. Tính cởi mở và lịch thiệp là yêu cầu chung có tính nguyên tắc đối với từng hướng dẫn viên.

Để có được các phong cách trên thì mỗi người hướng dẫn du lịch phải rèn luyện các động thái chuẩn xác khi tiếp xúc và hướng dẫn khách tham quan tại các địa điểm du lịch: chọn đúng tư thế đúng khi đứng, ngồi trên các phương tiện vận chuyển trong qua trình hướng dẫn du khách sao cho thích hợp, đặc biệt phải chú ý đến hướng nhìn của mắt mình, tránh nhìn sai hướng sẽ phân tán sự chú ý của khách và làm cho khách khó chịu, dễ hiểu lầm.

4. Thân mật, chỉnh chu khéo léo

Thông thường khi vừa chỉ dẫn vừa thuyết minh cho khách quan sát và lắng nghe, hướng dẫn viên nên chọn tư thế đứng thích hợp để có thể đưa mắt nhìn vào đối tượng tham quan 1 cách chính xác vừa nhìn vào đoàn khách để dễ quan sát những biểu cảm của khách để có ứng xử thích hợp. Hướng dẫn viên tránh nhìn vào chân khách, tránh nhìn chăm chú vào 1 người khách để những người khác không nghĩ rằng họ đang bị xúc phạm hoặc thiên vị, hãy dùng sức mạnh của ánh mắt, nụ cười để thể hiện sự ấm áp, thân mật , không suồng sã, không xa cách khó gần.

Các động thái như sửa kính, đội mũ, buộc giày cũng cần được hướng dẫn viên chú ý và thực hiện khéo léo, hướng dẫn viên phải xuống khỏi phương tiện vận chuyển trước tiên để có thể dẫn đường và giúp đỡ khách những lúc cần thiết và khi lên lại lên cuối cùng để tiện việc kiểm tra và đảm bảo sự an toàn cho du khách.

5. Điềm tĩnh

Với phong cách điềm tĩnh, hướng dẫn viên tránh được những quyết định thiếu chính xác và chưa tính hết khả năng giải quyết , các phong cách mà hướng dẫn viên có được là phương tiện hữu hiệu giúp nghề nghiệp thêm vững vàng, hoạt động thành thạo và hạn chế những điều đáng tiếc. Các phẩm chất của hướng dẫn viên do học tập, rèn luyện mà có được giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng dẫn du lịch mà còn giúp hướng dẫn viên biết phán đoán để đưa ra quyết định đúng đắn khi xảy ra những tình huống bất thường.

SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ là 1 kỹ năng rất hữu ích dành cho các anh em hướng dẫn viên, đây sẽ là cơ hội để bạn có thể tự trải nghiệm riêng những chuyến du lịch ngoài giờ làm việc, có thể là mua được vé rẻ để người thân, bạn bè cùng bạn vi vu khắp chốn nhé!!

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Kiến thức cơ bản của một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp

Hướng dẫn viên du lịch có nhiệm vụ giới thiệu, bình luận và chỉ dẫn cho khách những đối tượng tham quan theo chương trình du lịch mà họ đã lựa chọn theo hợp đồng. Mặt khác, các loại hình du lịch không phải chỉ có 1, do đó, hướng dẫn viên phải có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực về đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Đó là khối kiến thức rộng lớn mà hướng dẫn viên cần có để thực hiện việc hướng dẫn du khách, bao gồm:

1. Kiến thức về địa lý, cảnh quan, lịch sử dân tộc, đất nước

Bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của nền văn hóa, là những đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, những tương đồng và những khác biệt về văn hóa phương Đông, phương Tây, giữa các vùng văn hóa của 1 quốc gia, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo truyền thống và hiện đại, sân khấu, âm nhạc,… cùng với kiến thức về dân tộc học, đô thị học và các kiến thức về du lịch học.

2. Kiến thức kinh tế


Hướng dẫn viên phải có kiến thức về quá trình phát triển kinh tế của quốc gia, vùng địa phương có các điểm du lịch khác nhau với những biến đổi của kinh tế, xã hội trong phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương này.

Hướng dẫn viên còn phải hiểu biết về nghiệp vụ cụ thể với các thao tác có tính nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh và quản lý kinh tế. Nguồn kiến thức này giúp hướng dẫn viên dễ dàng trong việc hướng dẫn và thực hiện các hợp đồng, các chế định về chi phí, thanh toán, tín dụng,..thuận lợi, chính xác vì lợi ích của tất cả những bên có liên quan và phù hợp với quy định pháp luật.

3. Kiến thức chính trị


Đây là kiến thức bắt buộc 1 hướng dẫn viên phải có vì khách du lịch vốn có cơ cấu rất đa dạng về dân tộc, quốc tịch, nghề nghiệp, lứa tuổi, quan điểm chính trị,…Hướng dẫn viên thực hiện nghề nghiệp của mình phải làm vừa lòng các đối tượng này theo thỏa thuận.
Vì lý do an ninh du lịch, hướng dẫn viên phải có bản lĩnh chính trị, lòng yêu nghề, tự tôn dân tộc mà còn phải nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối đối ngoại.
Những hiểu biết về chính trị trong nước và quốc tế sẽ giúp hướng dẫn viên tránh được những tình huống khó xử khi gặp phải du khách có ý xấu muốn lợi dung, lôi kéo hướng dẫn viên vào các hoạt động xấu.

Nguyên tắc chung vẫn là tế nhị, khéo léo khi đề cập đến các vấn đề chính trị, nếu không sẽ gây ra những hiểu lầm sai lệch cho du khách, phải tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát để bảo vệ danh dự, lợi ích quốc gia nhưng vẫn có cách làm hài lòng khách du lịch.
Để được như vậy, hướng dẫn viên phải luôn không ngừng học hỏi qua sách báo, các nghị quyết, báo cáo chính trị,…theo dõi sát các biến động chính trị trong nước và quốc tế, tránh lạc hậu với các biến cố chính trị đang xảy ra.

4. Kiến thức về luật pháp, ngoại giao, y tế, tập quán địa phương


Những kiến thức này không thể có được khi mới hành nghề trong thời gian ngắn mà phải trải qua quá trình tích lũy, khối lượng kiến thức của hướng dẫn viên tùy thuộc vào quá trình học hỏi và khả năng, điều kiện lao động của từng người.
Những kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sẽ là những điều kiện quan trọng nhất đối với lao động nghề nghiệp của nghề hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên giỏi là nhân tố chủ yếu để hoạt động  hướng dẫn du lịch được thực hiện có kết quả tốt đẹp.

5. Kiến thức ngoại ngữ

Đây là điều kiện đầu tiên đối với các hướng dẫn viên quốc tế, kiến thức ngoại ngữ tốt giúp các hướng dẫn viên giao tiếp thuận lợi mà còn là phương tiện để học hỏi, đọc tài liệu, kiểm tra văn bản liên quan đến hoạt động du lịch. Không có khả năng giao tiếp ngoại ngữ, hướng dẫn viên không thể truyền đạt những kiến thức về du lịch cho du khách theo yêu cầu, dẫn tới làm hỏng nội dung và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
Đối với các hướng dẫn viên quốc tế, phải thông thạo ít nhất 1 ngoại ngữ và có kiến thức cơ bản về 1 ngoại ngữ bổ sung, với hướng dẫn viên Việt Nam thì thường sử dụng các ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc.

Kết luận

Nghề hướng dẫn thật sự không nhàn rỗi, không dễ dàng như nhiều người đã nghĩ, kiến thức của hướng dẫn viên phải vừa sâu rộng đủ mức vừa phải chuyên sâu đúng mảng. Có những hướng dẫn viên các việc chỉ dẫn, giới thiệu cho du khách theo các tour chuyên đề, tuy nhiên để thuận lợi cho việc giới thiệu, thuyết minh thì hướng dẫn viên phải luôn tích lũy và bổ sung nguồn kiến thức cần thiết.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cần có của hướng dẫn viên

Nhiệm vụ chính của hướng dẫn viên là giới thiệu, hướng dẫn du khách theo 1 số loại hình du lịch theo mục đích cụ thể mà khách và đơn vị kinh doanh du lịch đã thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, bất kỳ hướng dẫn viên nào khi tác nghiệp phải thành thạo kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, đồng nghĩa với việc nắm vững các quy chế, luật lệ của nhà nước để tránh phạm luật trong quá trình hướng dẫn khách du lịch nội địa và cả khách du lịch quốc tế. Các kiến thức bao gồm: quy định, thủ tục xuất nhập cảnh, các thông lệ quốc tế, từng khu vực để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ du khách.

Hướng dẫn viên phải nắm rõ nội dung chi tiết trong hợp đồng của đơn vị mình với các đơn vị trong và ngoài nước, nắm rõ chương trình du lịch (khách mua tour trực tiếp hay thông qua các trung tâm môi giới),…Khi hiểu rõ về tour của khách thì hướng dẫn viên mới có thể xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, dự đoán các tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị tâm lý và cách giải quyết tốt hơn, đồng thời thông báo cho du khách về lịch trình từ lúc khách mua tour cho đến lúc thực hiện tour và kết thúc tour.

Hướng dẫn viên không thể thực hiện nhiệm vụ 1 cách máy móc mà cần phải linh động, trở thành người bạn đồng hành, đáng tin cậy của du khách, vì thế, hướng dẫn viên phải giao tiếp tốt, biết cách ứng xử và nắm bắt tâm lý của du khách. Đó là kiến thức chuyên môn đòi hỏi hương dẫn viên phải liên tục trau dồi, học hỏi vì các thói quen ứng xử , tâm lý con người có thể thay đổi tùy theo điều kiện lịch sử.

Chất lượng chuyên môn của hướng dẫn viên phụ thuộc khá nhiều vào khối lượng kiến thức mà hướng dẫn viên tích lũy và áp dụng trong thực tiễn. Những quy tắc xã giao cơ bản, những yêu cầu và tri thức nghề nghiệp bắt buộc phải có trước khi hướng dẫn viên tiếp nhận phục vụ khách du lịch.

Hướng dẫn viên cần nắm rõ và thực hiện tốt nghệ thuật diễn đạt trước khách du lịch – là những người mới gặp lần đầu, có thói quen, khả năng nghe nhìn và cảm nhận khác nhau. Một hướng dẫn viên giỏi nghiệp vụ vừa phải nắm được tâm lý du khách vừa nắm được các lý thuyết truyền đạt cơ bản: ngắt quãng, lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh, chậm rãi, lướt nhanh,…đặc biệt, hướng dẫn viên phải sử dụng ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu, có sức truyền cảm, thu hút người nghe.


Những thông tin mà hướng dẫn viên đưa ra phải có sức thuyết phục và được du khách tiếp thu dễ dàng theo mục đích, nhu cầu du lịch của khách. Hạn chế tối đa sự biểu lộ nhàm chán trong ngôn từ cũng như nội dung trình bày, không đọc bằng giọng văn vô cảm thông qua các nội dung thuyết trình đã được chuẩn bị sẵn. Nội dung trình bày chỉ thật sự có hồn khi hướng dẫn viên yêu nghề đúng nghĩa, quý trọng khách và trân trọng các nguồn tài nguyên du lịch quốc gia: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, phong tục, tập quán,…

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn viên du lịch

Do đặc điểm nghề nghiệp nên nghề hướng dẫn viên cần có những năng lực và phẩm chất cần thiết, những phẩm chất và năng lực này được hình thành và hoàn thiện trong suốt thời gian hoạt động của mình và không áp đặt theo 1 khuôn khổ nhất định:

1. Thời gian làm việc không cố định

Nghề hướng dẫn viên không có thời gian cố định làm việc: bao gồm thời gian đón khách, đi cùng khách, giải quyết vấn đề phát sinh của khách, tiễn khách,…Đôi khi vì 1 số tác động khách quan mà hướng dẫn viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng giải quyết sự vụ 1 cách bất ngờ, ngay cả sau khi đã tiễn đoàn khách khi khách kết thúc chuyến du lịch.

2.  Sự phức tạp và đa dạng của khối lượng công việc

Bằng sự hiểu biết và các phương cách linh động, kết hợp với các phương tiện hỗ trợ, hướng dẫn viên luôn không ngừng học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để cải thiện khả năng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề nhằm chuẩn bị cho các chuyến hướng dẫn kế tiếp tốt hơn. Công việc của hướng dẫn viên bao gồm: dẫn khách và giới thiệu khách tham quan tại các điểm du lịch, giúp đỡ khách trong 1 số hoạt động giải trí đặc thù, hỗ trợ khách làm thủ tục xuất nhập cảnh, hướng dẫn khách mua sắm, giải trí, vui chơi và xử lý nhanh chóng các sự cố phát sinh trong chuyến du lịch của khách.
3. Tính chất đơn điệu

Nghề hướng dẫn viên là nghề khá đơn điệu, thường lặp lại các thao tác cụ thể, hay lặp lại lộ trình với các đối tượng quen thuộc. Đặc biệt, nội dung hướng dẫn không thay đổi nhiều do đó là các thông tin chủ yếu mà hướng dẫn viên phải cung cấp cho khách. Một hướng dẫn viên có thể chỉ chuyên phục vụ 1 đối tượng khách đặc trưng hoặc trên 1 tuyến điểm du lịch nhất định nên khả năng chán việc hoàn toàn có thể xảy ra và sức ép tâm lý cũng khá lớn.

4.  Lòng nhiệt huyết

Tuy có những trở ngại nghề nghiệp nhất định, nhưng nói chung, nghề này đòi hỏi hướng dẫn viên phải tiếp xúc với khách trong tư thế của người phục vụ nhiệt tình, chu đáo vì hướng dẫn viên chính là người đại diện cho tổ chức kinh doanh du lịch, đại diện cho ngành, cho quốc gia, cho dân tộc. Vì vậy, hướng dẫn viên phải có sức chịu đựng cao, cả về thể chất lẫn tinh thần, nghĩa là tâm lý phải luôn ở trạng thái ổn định khi làm việc.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Vai trò của hướng dẫn viên trong kinh doanh du lịch

Hoạt động hướng dẫn du lịch là hoạt động dịch vụ đặc trưng của dịch vụ du lịch và đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh du lịch, đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị kinh doanh du lịch và cả khách du lịch.

Hoạt động hướng dẫn du lịch là hoạt động chủ yếu của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên là người tiếp xúc và phục vụ khách nhiều nhất trong toàn bộ hoạt động hướng dẫn du lịch của tổ chức kinh doanh du lịch. Chất lượng công việc của HDV quyết định hiệu quả của hoạt động hướng dẫn du lịch, vì vậy, HDV chính là người đại diện của đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện hợp đồng với khách du lịch theo tour mà khách đã mua.

Nghề hướng dẫn du lịch khá phức tạp và quan trọng , đòi hỏi HDV phải có nghiệp vụ cao khi đảm nhận công việc. Tuy công việc của HDV ngày nay được giảm đáng kể nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng các trang thiết bị hỗ trợ vẫn không thể thay thế HDV hoàn toàn vì chính HDV mới đem lại sự sống động trong các chuyến tham quan của du khách, chỉ có HDV mới giải đáp thắc mắc của du khách về phong tục, tập quan, đặc điểm, địa hình,… nơi khách tham quan ngay lập tức và sự dẫn dắt của HDV làm chuyến du lịch có hồn hơn.
Bằng hoạt động nghiệp vụ, HDV tạo mối quan hệ từ các nguồn khách hàng khác nhau để lôi cuốn khách mua tour và luôn có nhu cầu được mua dịch vụ hướng dẫn từ 1 tổ chức kinh doanh du lịch cụ thể nào đó. Do có cơ hội tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, HDV còn góp phần ngăn ngừa các hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của du khách, bảo vệ môi trường ở những nơi mà họ đang dẫn tour.

HDV trở thành người bạn đồng hành của du khách trong suốt chuyến tham quan, từ các hoạt động ăn uống, nghỉ dưỡng cho đến các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm,…khi du khách đặt chân đến những nơi xa lạ lần đầu tiên.

Khi xảy ra những tình huống bất thường, ảnh hưởng đến chuyến du lịch của du khách thì HDV vẫn là người đại diện, là người đầu tiên đứng ra giải quyết, dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện để du khách an tâm tiếp túc cuộc hành trình của mình, điều này chứng tỏ HDV có vai trò quan trọng không thua kém gì vai trò của các cơ quan chức năng khi các cơ quan chức năng chưa kịp xử trí để bảo vệ du khách.

Hướng dẫn viên còn có vai trò truyền tải thông tin, quảng bá về du lịch quốc gia, quảng  bá cho doanh nghiệp, cho địa phương. Bên cạnh đó, HDV còn có thể nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khách, nhận được những phản hồi chân thật nhất (khen/chê) từ du khách liên quan tới thông tin và hoạt động du lịch. Vai trò này được ví von HDV như 1 nhà tiếp thị, có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để xác định thị trường, khách hàng tiềm năng để có kế hoạch mở rộng trong tương lai.

Tóm lại, HDV giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của các tổ chức kinh doanh du lịch, HDV phải là những người thật sự yêu nghề, giỏi nghiệp vụ và hội đủ các tố chất cần có của 1 HDV, như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với sứ mệnh quảng bá du lịch đất nước đến bạn bè gần xa trên khắp mọi miền và cả thế giới.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Khái niệm và phân loại nghề hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn viên du lịch được định nghĩa theo nhiều ý kiến khác nhau dựa trên bản chất công việc sau nhiều năm tồn tại và phát triển:

  • Hướng dẫn viên là các cá nhân làm việc trên tuyến du lịch cùng với cá nhân khác hoặc đoàn khách theo 1 chương trình đã định sẵn, hướng dẫn viên có nhiệm vụ thuyết minh cho khách về các điểm du lịch và tạo những ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch.
  • Hướng dẫn viên là các cá nhân làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành với nhiệm vụ hướng dẫn du khách tham quan các điểm du lịch theo chương trình đã được ký kết.
  • Hướng dẫn viên du lịch thường được gọi là: Tour Guide, Tour Manager, Tour Leader, Guideur Touristique, Couurier Tourstique, là những người hướng dẫn khách  trong các chuyến du lịch tại các điểm du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu được thỏa thuận của khách và đại diện tổ chức kinh doanh du lịch giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình du lịch của khách trong khả năng cho phép của mình.

Nhà nước cấp thẻ cho hướng dẫn viên hội đủ các yếu tố sau đây:

  • Là công dân Việt Nam
  • Có phẩm chất đạo đức tốt
  • Có sức khỏe tốt
  • Sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành lữ hành, hướng dẫn du lịch hoặc có chứng chỉ đào tạo hướng dẫn du lịch do cơ sở có thẩm quyền cấp (đối với các cá nhân học ngoài ngành du lịch).


PHÂN LOẠI:


  • Tour Guide (HDV chuyên nghiệp): là người hướng dẫn đoàn khách thực hiện chương trình tham quan du lịch được thỏa thuận của tổ chức kinh doanh du lịch, được cấp thẻ hành nghề.
  • On-site Guide (HDV tại điểm): là người hướng dẫn du khách thực hiện chuyến tham quan trong vài giờ tại 1 điểm du lịch cụ thể, VD: hướng dẫn khách thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, cung đình Huế, Phố cổ Hội An,…
  • City Guide (HDV thành phố): là người hướng dẫn du khách thực hiện chuyến du lịch quanh thành phố, chủ yếu trên các phương tiện công cộng như: xe buýt, taxi, xích lô,..với nhiệm cụ: giới thiệu, bình luận những điểm du lịch nổi bật trong thành phố, ngoài tra HDV còn giải đáp các thắc mắc của du khách trong lộ trình tham quan trên các phương tiện di chuyển.
  • Step-on Guide (HDV không chuyên): là các cộng tác viên được các tổ chức kinh doanh du lịch thuê theo hợp đồng để hướng dẫn du khách. Họ có thể là: giáo viên ngoại ngữ, nhà báo, nhà khoa học,…có kiến thức về các tuyến hoặc điểm du lịch mà du khách cần tìm hiểu. HDV dạng này đa phần cũng có khả năng hướng dẫn du lịch và khả năng ứng xử linh hoạt với khách và thường được thuê theo mùa du lịch cao điểm hoặc làm tại những tuyến du lịch cố định nào đó. 

- - HDV suốt tuyến: là những HDV chuyên nghiệp có nhiệm vụ hướng dẫn khách từ lúc đón khách, trong quá trình khách du lịch cho đến lúc tiễn khách. HDV chịu trách nhiệm chủ yếu về việc thực hiện chương trình du lịch của khách theo hợp đồng
- - HDV địa phương: là hướng dẫn viên tại những điểm du lịch hoặc thành phố cụ thể nào đó làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách ở 1 điểm du lịch đó chứ không theo khách trong suốt chuyến du lịch. HDV địa phương ít nhiều gì cũng cần có những kiến thức nhất định về đối tượng tham gia và nghiệp vụ, chuyên môn, không giống những người giới thiệu tại chỗ, vốn không phải là hướng dẫn viên.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Quan niệm về nghề hướng dẫn du lịch

Hoạt động hướng dẫn du lịch gồm 1 số mặt công tác, hướng dẫn viên vừa đảm nhiệm vừa mang lại hiệu quả nhiều hay ít tùy thuộc rất lớn vào hoạt động của hướng dẫn viên du lịch do nghề hướng dẫn du lịch thể hiện sự chuyên biệt hóa cao trong tất cả các hoạt động trong ngành du lịch nói chung.

Với yêu cầu nghiệp vụ  riêng biệt, có rất nhiều quan niệm khác nhau về nghề hướng dẫn du lịch, những quan niệm này bắt nguồn từ hiện tượng không đầy đủ, hình thức của hoạt động du lịch mà người hướng dẫn thực hiện.

- Một số quan niệm cho rằng người hướng dẫn cần phải có ngoại ngữ tốt để làm nhiệm vụ của người phiên dịch của du khách nước ngoài và hướng dẫn viên được ví như nhà ngoại giao.
- Một số khác lại cho rằng hướng dẫn viên phải là người có tài ăn nói, lanh lợi để có thể trình bày mà không cần cầm giấy tờ gì trước mặt du khách.
- Quan niệm nghề nghiệp khá phổ biến từ những người ngoài cuộc: hướng dẫn viên phải có ngoại hình ưa nhìn, xinh đẹp mới thu hút được sự chú ý của du khách,..

Những quan niệm này không hoàn toàn sai vì vẫn đúng ở 1 số khía cạnh nhất định nhưng nếu xét toàn diện thì không đúng, cả về nội dung công việc lẫn yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp. Quan niệm về sự nhàn rỗi so với những nghề khác trong xã hội thì thật sự không đúng đối với nghề hướng dẫn viên du lịch.

Thực chất, hướng dẫn viên là người được trả tiền cao để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn cho du khách, càng vất vả, mạo hiểm, càng dài ngày bao lâu thì thù lao càng nhiều. Ngoài tiền công, hướng dẫn viên còn có cơ hội nhận được các khoản tiền "tip" từ du khách nếu hướng dẫn viên hoàn thành tốt công việc và làm du khách thật sự hài lòng.

Hướng dẫn viên là người được đi ngao du nhiều nơi, là người luôn được nhiều đối tượng khách hàng chú ý, trở thành trung tâm của các chuyến du lịch, ngoài ra, hướng dẫn viên còn là người có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực đòi hỏi nhiều tác phong nghề nghiệp, tạo sự năng động trong quá trình "diễn xuất" trước du khách.

Mặt khác, do đặc điểm nghề nghiệp và tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn viên có nhiều cơ hội để hoàn thiện cả về tri thức lẫn nhân cách. Tuy nhiên, nghề hướng dẫn du lịch cũng như bao ngành khác, đều có những khó khăn, trở ngại nhất định:
- Do đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên HDV phải luôn biết cảm thông và chia sẻ, quan trọng là nhận được sự cảm thông từ phía gia đình, người thân, bè bạn.
- Hướng dẫn viên đôi khi có những chuyến đi dài ngày mà không được báo trước: thời gian, địa điểm không cố định. Vì vậy, đa số những người ngoài nghề không thể chấp nhận được bản chất nghề nghiệp như thế này.

Từ những ưu, nhược điểm của ngành du lịch nói chung và nghề hướng dẫn viên nói riêng, các hướng dẫn viên hiện tại cần biết dung hòa mọi việc để các mối quan hệ gia đình, xã hội không xảy ra mâu thuẫn. Đối với các hướng dẫn viên tương lai, phải chuẩn bị tinh thần thật tốt để giải quyết những xung đột không đáng có, tìm cách hình thành mối quan hệ tốt hơn và suy nghĩ thật kỹ để đi đến quyết định cuối cùng là mình có thích hợp và thật lòng muốn theo đuổi nghề hướng dẫn du lịch hay không?

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Hướng dẫn du lịch và những hoạt động chủ yếu

Hướng dẫn du lịch là hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của du khách trong quá trình thực hiện chuyến du lịch, là các hoạt động của các tổ chức kinh doanh du lịch, đảm bảo cho việc phục vụ du khách được chu đáo, có tổ chức. Hoạt động này cung cấp kiến thức và các thông tin cần thiết cho du khách có liên quan đến mục đích của chuyến du lịch mà khách du lịch chọn.

Hoạt động hướng dẫn du lịch là 1 hoạt động phức tạp bao gồm các mặt như: cung cấp các thông tin quảng cáo, tiếp thị du lịch, đón tiếp du khách, phục vụ du khách,…và giải quyết những vấn đề phát sinh trước, trong và sau chuyến du lịch của khách. Hoạt động du lịch là 1 loại dịch vụ đặc trưng của hoạt động du lịch nói chung và do các tổ chức du lịch tiến hành, bằng các hoạt động hướng dẫn, các tổ chức kinh doanh du lịch sau khi đã có hợp đồng, thỏa thuận đảm bảo phục vụ khách du lịch thỏa mãn nhu cầu theo chương trình cụ thể. Hoạt động này cuốn hút các bộ phận chức năng, nghiệp vụ có liên quan tới các mặt công tác khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn thông qua hướng dẫn viên du lịch.

Đa phần các hoạt động hướng dẫn du lịch được thực hiện bởi hướng dẫn viên, chất lượng phục vụ hướng dẫn du lịch cho khách phụ thuộc chủ yếu vào khả năng, nghiệp vụ, kiến thức và phẩm hạnh của người hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ có hướng dẫn viên thì không thể thực hiện được nhiều việc liên quan đến hoạt động hướng dẫn du lịch, vì vậy cần có sự phối hợp giữa các tổ chức và hướng dẫn viên để thu thập thông tin và xây dựng chương trình hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hướng dẫn du lịch.

Hướng dẫn viên chính là những người thay mặt cho tổ chức kinh doanh du lịch thực hiện các hợp đồng giữa đơn vị mình với khách du lịch, các hoạt động hướng dẫn du lịch bao gồm nhiều mặt công tác và đòi hỏi về nghiệp vụ và các hoạt động sau đây là phải có:
  • Tổ chức, đón khách, tiễn khách, sắp xếp nơi nghỉ ngơi, lưu trú, nơi ăn uống, tổ chức tham quan du lịch tại những nơi có tài nguyên du lịch được khai thác, sắp xếp các chương trình vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch.
  • Cung cấp thông tin để du khách có được những hiểu biết cần thiết từ các quy định về xuất nhập cảnh, thủ tục, tập quán, quy chế về hoạt động tham quan, những thông tin về đất nước, con người, cảnh quan,…
  •  Theo dõi, kiểm tra việc phục vụ du khách để đảm bảo phục vụ đúng và đủ theo yêu cầu đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  •   Một số hoạt động thông thường có thể hoặc không nhất thiết nằm trong phạm vi hướng dẫn du lịch, không trở thành nhiệm vụ bắt buộc của hướng dẫn viên như: thanh toán, đổi tiền, đặt chỗ, quảng cáo,..nhưng nếu những hoạt động này được thực hiện 1 cách đồng bộ và nhanh chóng thì hoạt động hướng dẫn sẽ chu đáo và hiệu quả hơn                  

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Vị trí của hoạt động hướng dẫn du lịch

Trước đây, hướng dẫn du lịch chưa hình thành nên khách du lịch chủ yếu tự tìm hiểu để thỏa mãn những nhu cầu của chuyến đi theo mục tiêu đã định. Tại các điểm du lịch, người dân địa phương đảm nhiệm vai trò giới thiệu cho khách từ những hiểu biết của mình. Cùng với thời gian, dòng du khach lớn lên kéo theo sự đa dạng hóa của hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động hướng dẫn du lịch cũng ra đời và ngày càng có vị trí quan trọng và cần thiết trong kinh doanh du lịch.

Hoạt động này kết hợp của những chủ dịch vụ, những nhà khoa học hoặc những người có hiểu biết cụ thể về 1 hay nhiều lĩnh vực nhất định về 1 hay nhiều đối tượng tham quan tại điểm du lịch nhất định. Hướng dẫn du lịch ra đời từ đòi hỏi khách quan, đòi hỏi nghề nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu hiểu biết của du khách.

Ví dụ: khách du lịch hầu như chưa hiểu biết gì hoặc hiểu biết sơ sài về những đối tượng muốn tìm hiểu khi đi từ vùng này sang 1 vùng khác trong cùng 1 quốc gia. Hoạt động du lịch hướng dẫn du lịch sẽ đáp ứng những nhu cầu ấy 1 cách trực tiếp, sinh động và đa dạng trong chuyến du lịch của khách.

Hoạt động hướng dẫn du lịch còn góp phần rất quan trọng vào kinh doanh du lịch nói chung, thông qua các hoạt động hướng dẫn, các dịch vụ du lịch cơ bản như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển,... được thực hiện chu đáo hơn do có sự phối hợp của các hướng dẫn viên du lịch. Những nhu cầu của khách du lịch về dịch vụ này thường được đáp ứng chính xác, nhanh chóng. Ngoài ra, khách du lịch cũng góp phần làm cho các dịch vụ thêm phần sôi động do các hướng dẫn viên sẽ nắm bắt thị hiếu và sở thích, tình trạng sức khỏe,..của du khách để kịp thời có những điều chỉnh đáp ứng tốt hơn cho khách.

Các tổ chức kinh doanh du lịch hiện nay đều có hoạt động hướng dẫn du lịch, các tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa càng cần thiết có hoạt động hướng dẫn du lịch. Việc thiết kế tour, bán tour, quảng cáo, tiếp thị,...phải gắn với yêu cầu hướng dẫn du lịch. Do đó hoạt động hướng dẫn du lịch được thực hiện tốt hay không sẽ góp phần cơ bản vào việc bán tour, vào kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch.

Hoạt động hướng dẫn du lịch không chỉ thỏa mãn những nhu cầu của khách theo mục đích du lịch, của loại hình du lịch mà còn góp phần giải quyết những vấn đề phát trình trong quá trình du lịch của khách. Có rất nhiều vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện các chuyến du lịch của khách: làm thủ tục xuất nhập cảnh, nơi lưu trú, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, ăn uống, phương tiên vận chuyển,...mà du khách cần đến sự hỗ trợ của hướng dẫn viên. Chính vì lý do đó mà hoạt động hướng dẫn du lịch ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch.


Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch tại Việt Nam

Ở Việt Nam, đi du lịch cũng là nhu cầu từ xa xưa, các thế hệ người Việt cũng đã có những chuyến du lịch nổi danh trong lịch sử. Khách du lịch chủ yếu thuộc các tầng lớp thương gia, nhà khoa học, nhà tu hành,….Ngoài ra, khách du lịch nước ngoài cũng có những chuyến lữ hành đến Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi đời của ngành du lịch Việt Nam hiện nay chưa cao và đã trải qua biết bao thăng trầm sau đó từng bước trưởng thành.

Trong thời kỳ đổi mới, du lịch Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quốc gia. Định hướng sắp tới, du lịch được xem là 1 trong những ngành có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam vốn giàu tài nguyên du lịch và đang từng bước khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên ấy. Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được xác định là quan trọng nhất trong sự phát triển du lịch Việt Nam do các loại hình du lịch này đang được nhiều du khách quan tâm.

Các chính sách được đề ra nhằm phát triển du lịch Việt Nam là triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước , bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử và khu danh lam thắng cảnh.
Việt Nam hiện đang huy động nguồn nhân lực của nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch tập trung và các trung tâm lớn.

Ngoài ra, chính sách nâng cao trình độ văn hóa và chất lượng dịch vụ đối với các loại khách khác nhau cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm song song với đẩy mạnh vốn đầu tư trong nước, cải tạo nâng cấp, liên doanh với nước ngoài vào các loại hình khách sạn và các khu du lịch.

Các chính sách và định hướng thiết thực của Việt Nam cho thấy du lịch quốc gia đang chuyển mình, đón kịp xu thế quốc tế và sự phát triển chung của đất nước, nên việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đang là yêu cầu khách quan, kể cả việc trang bị kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cũng hết sức quan trọng.


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch - Phần 2

Cùng với việc tăng lượng khách, nguồn ngoại tệ thu được từ du lịch tăng lên hàng trăm lần từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Điều đó cho thấy nhu cầu du lịch và khả năng thanh toán của khách ngày càng cao và các dịch vụ du lịch cũng ngày càng đa dạng hóa, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển du lịch nói riêng và sự phát triển - kinh tế xã hội nói chung.

Cùng với việc phát triển du lịch, các tổ chức quốc tế  và khu vực về du lịch cũng ra đời đã tăng cường khả năng liên kết của ngành kinh tế đặc biệt này, xu hướng quốc tế hóa du lịch đòi hỏi sự phối hợp giữa các hãng, các công ty du lịch trên thế giới.

Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra những thay đổi quan trọng như hướng đi của dòng du khách mà nét nổi bật là xu hướng tới các nước đang phát triển với loại hình du lịch văn hóadu lịch sinh thái. Các nước ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương đang là những nước giữ vai trò du lịch quốc tế chủ động.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng thay đổi theo từng giai đoạn mà nổi bật hơn hết là tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch trong các dịch vụ cơ bản như: lưu trú, vận chuyển, ăn uống,..có xu hướng giảm trong khi chi tiêu của khách cho các dịch vụ bổ sung như: mua sắm, giải trí, tham quan,...có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các dịch vụ du lịch trọn gói ngày càng ít hơn cùng với việc giảm bớt các thủ tục về xuất cảnh hải quan, khách du lịch ngày càng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ du lịch, kể cả dịch vụ hướng dẫn du lịch.